Đào tạo nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực chất lượng cao

Nguồn nhân lực là một yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất. Theo cách hiểu thông thường, nguồn nhân lực là nguồn lực con người của một quốc gia hay một vùng lãnh thổ, một địa phương nhất định đang và có khả năng tham gia vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Có quan điểm cho rằng, nguồn nhân lực được hiểu là toàn bộ trình độ chuyên môn mà con người tích lũy được có khả năng đem lại thu nhập trong tương lai. Một quan điểm khác lại cho rằng, nguồn nhân lực là tổng thể các tiềm năng lao động của một nước hay một địa phương, tức là nguồn lao động được chuẩn bị ở các mức độ khác nhau sẵn sàng tham gia vào một công việc lao động nào đó, đó là những người lao động có kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi cơ cấu lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với quan điểm về nguồn nhân lực như vậy nên đã có nhiều cách hiểu khác nhau về nguồn nhân lực chất lượng cao.

– Theo cách hiểu mang tính chất định tính thì nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận của lực lượng lao động, có khả năng đáp ứng những yêu cầu phức tạp của công việc, từ đó tạo ra năng suất và hiệu quả cao trong công việc, có những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng và phát triển của cộng đồng cũng như của toàn xã hội. Nếu tiếp cận theo cách hiểu mang tính chất định lượng thì nguồn nhân lực chất lượng cao được hiểu theo các cách khác nhau: Một là, nguồn nhân lực chất lượng cao là những người lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp và trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trên thực tế, khái niệm “lao động qua đào tạo” rất phức tạp vì hiện nay có rất nhiều hình thức và phương pháp đào tạo khác nhau, từ học nghề ngắn hạn đến cao đẳng, đại học đều có thể được xem là “lao động qua đào tạo”. Như vậy, nếu coi nguồn nhân lực chất lượng cao là lao động qua đào tạo sẽ dẫn đến một sự phân hóa lớn về trình độ của nguồn nhân lực này.

– Hai là, một cách hiểu theo định lượng hẹp hơn là coi nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và hoạch định chính sách, nguồn nhân lực khoa học, công nghệ, đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng… Thực tế, có một cách hiểu hẹp hơn nữa là chỉ xem những người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ mới là nguồn nhân lực chất lượng cao. Có thể thấy, về mặt khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao chưa có sự thống nhất. Cả hai cách hiểu mang tính định tính và định lượng đều có những hạn chế nhất định. Cách hiểu về mặt định tính sẽ dẫn đến khó khăn trong việc thống kê nguồn nhân lực chất lượng cao. Cách hiểu về mặt định lượng sẽ không tính đến những nghệ nhân, những người có khả năng đặc biệt làm được những công việc mà ít người làm được nhưng lại không qua trường lớp đào tạo nào. Mặt khác, không phải bất kỳ người lao động nào đã qua đào tạo đều có khả năng đáp ứng được yêu cầu của các công việc tương ứng với trình độ đào tạo nhưng vẫn được xem là nhân lực có chất lượng cao.

-> Vì vậy, theo chúng tôi nên hiểu nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận của nguồn nhân lực nói chung, nhưng là một bộ phận đặc biệt, bao gồm những người có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên đang làm việc trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, có những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển bền vững của cộng đồng nói riêng và toàn xã hội nói chung. Với cách hiểu như vậy, có thể đưa ra 6 tiêu chí để đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao đó là:

– Khả năng thích ứng nhanh nhất với môi trường lao động và với tiến bộ khoa học công nghệ mới, với năng lực chuyên môn và trình độ thành thạo nghiệp vụ cao.

– Có ý chí vượt khó, bền bỉ trong công việc, có năng lực kiềm chế bản thân…

– Có đạo đức nghề nghiệp thể hiện qua tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm, tinh thần dân chủ, hợp tác và ý thức về tập thể, vì cộng đồng cao.

– Có kỹ năng làm việc nhóm, khả năng thay đổi, thích ứng nhanh, hội nhập cao, có sáng kiến đột phá, sáng tạo trong công việc… Có năng lực thực tế tạo nên kết quả cao và vượt trội trong công việc, có năng lực cạnh tranh, có đóng góp thực sự hữu ích cho xã hội…

Một số giải pháp để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

– Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện giáo dục và đào tạo, từng bước đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu xã hội. Nếu nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia thì giáo dục và đào tạo là một trong những yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực, là nền tảng của chiến lược phát triển con người. Trong thời đại ngày nay, nền giáo dục là yếu tố cơ bản nhất tạo nên sự thành công của mỗi quốc gia. Vì vậy cần phải đổi mới một cách căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân, làm cho giáo dục và đào tạo thực sự là phương tiện đắc lực để phát triển trí tuệ, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

– Cần hướng đào tạo gắn với việc làm, đào tạo với sử dụng, đào tạo theo nhu cầu xã hội. Trên thực tế, hướng đào tạo này phải được xem xét trên cả hai phương diện: Đối với nhà trường, nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, cần có sự nghiên cứu hợp tác với các chủ doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội trong việc biên soạn chương trình đào tạo. Thông qua các hội nghị, hội thảo với các cơ quan, tổ chức mà nhà trường lắng nghe, tiếp nhận sự đánh giá, góp ý từ các nhà sử dụng sản phẩm đào tạo của nhà trường. Đây là cách thức rất hiệu quả để nhà trường nắm được nhu cầu thực tế, từ đó mà bổ sung, điều chỉnh kiến thức chuyên môn cũng như tư chất, đạo đức và các kỹ năng mềm khác cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Thông qua các hình thức liên kết đào tạo giữa nhà trường với các cơ sở, doanh nghiệp mà chương trình đào tạo của nhà trường luôn được điều chỉnh, cập nhật được cái mới, hiện đại hơn, thích ứng hơn với trình độ công nghệ mới, nâng cao được năng lực cạch tranh, tính sáng tạo của sinh viên, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Các cơ sở thực tế ngoài việc đầu tư hỗ trợ cho nhà trường trong công tác đào tạo còn phải tham gia trực tiếp vào việc xây dựng mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo của các trường mà hình thức phổ biến và hiệu quả nhất là “đặt hàng” đào tạo.

– Giáo dục ở bậc đại học, cần gắn chặt với nhu cầu xã hội thông qua các đơn “đặt hàng” của các cơ sở thực tế, song phải bảo đảm cân đối giữa các ngành, nghề. Điều này đòi hỏi chỉ tiêu đào tạo cho mỗi ngành, mỗi trường, mỗi khu vực cần phải được xây dựng trên cơ sở tìm hiểu nhu cầu thực tế của xã hội. Tuy nhiên, nhu cầu xã hội cũng cần phải được hiểu một cách khoa học theo hướng vừa có nhu cầu trước mắt vừa tính đến nhu cầu lâu dài. Đặc biệt cần phải xác định nhu cầu đào tạo nhằm xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ cho tương lai, như điện nguyên tử, hàng không vũ trụ…

– Cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, từng bước hoàn thiện cơ chế, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, làm cho toàn xã hội tham gia vào công tác giáo dục, đào tạo. Cần xây dựng một xã hội học tập theo phương châm “học suốt đời”, “học ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh”, tập trung vào rèn luyện các kỹ năng mềm cho người lao động để có khả năng hội nhập và phối hợp làm việc với hiệu quả cao nhất. Nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là kiểm soát đầu ra của đào tạo bậc đại học và sau đại học, tránh tình trạng “học giả, bằng thật”.

– Gần đây, xã hội đã lên tiếng rất nhiều về chất lượng đào tạo bậc sau đại học, cần tránh khuynh hướng quá chú trọng đến phát triển số lượng mà hạ thấp chất lượng.

Xin chân thành cảm ơn !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *